“Chúng tôi giống như rác rến của thế gian…” (1 Cô-rinh-tô 4:13)
Những lời này không phải là lời nói quá đáng. Chỉ có một lý do có thể làm cho lời phát biểu nầy trở nên không chính xác đối với chúng ta, những người tự gọi mình là người rao giảng Tin Lành, đó là không phải Phao-lô đã quên hay hiểu lầm sự thật về vai trò của chúng ta, nhưng lý do là vì chúng ta quá cẩn thận và chú tâm về những ước muốn riêng của chúng ta đến đỗi chúng ta không thể nào bằng lòng để cho mình trở nên cặn bã hay “rác rến của thế gian”. Hành động “Đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Đấng Christ…” (Cô-lô-se 1:24) không phải đó là kết quả của sự thánh khiết vì được nên thánh, nhưng là chứng cớ của sự tận hiến – được “để riêng ra đặng giảng Tin lành Đức Chúa Trời…” (Rô-ma 1:1).
“Hỡi anh em rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường…” (1 Phi-e-rơ 4:12). Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng những sự việc mình đã gặp phải là khác thường, đó là vì chúng ta hèn nhát và sợ hãi. Chúng ta chú tâm quá độ đến như vậy đối với những ưa thích và đòi hỏi cá nhân đến đỗi chúng ta đứng xa hẳn các hoàn cảnh khó khăn và nói lên, “Tôi sẽ không khuất phục; tôi sẽ không cúi đầu hay khom xuống.” Và thực sự bạn cũng sẽ không cần – vì bạn chỉ có thể được cưú “qua đường tơ kẻ tóc” thôi nếu bạn chọn điều đó. Bạn có thể từ chối không để Đức Chúa Trời kể bạn là một trong những kẻ “được biệt riêng cho tin lành…” Hoặc bạn có thể nói, “Tôi không cần nếu bị đối đãi như rơm rác của thế gian miễn sao tin lành được tuyên giảng ra thôi.” Một đầy tớ chân thật của Chúa Giê-su Christ là một người sẵn sàng chịu kinh nghiệm khổ nhục vì lẽ thật của tin lành của Đức Chúa Trời. Khi một người đạo đức phải đối chất với sự khinh bỉ, sự phản luân lý, sự bất trung, hay sự không ngay thật, người ấy vô cùng bất mãn đối với sự xúc phạm đó đến đỗi phải ngoảnh mặt đi, và với tinh thần chán nản người đó khép lòng mình lại đối với người phạm lỗi. Nhưng phép lạ về thực tế của sự cưú rỗi của Đức Chúa Trời là dù một người tội phạm nặng nề nhất, đê tiện nhất cũng không hề làm cho tình yêu sâu đậm của Ngài trở nên mệt mỏi, chán nản đối với người đó. Phao-lô không hề nói Đức Chúa Trời biệt riêng ông ra để cho thấy Ngài thật có thể biến cải ông trở nên một người tuyệt diệu như thế, nhưng chính là để “bày tỏ con của Ngài ra trong tôi…” (Ga-la-ti 1:16).
-Nguồn: Trích sách “Tất Cả Của Tôi Cho Sự Cao Cả Của Ngài” – Oswald Chambers-