SỰ CAY ĐẮNG
Hãy coi chừng, kẻo có ai trật phần ân sủng của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng đâm ra và gây rối, rồi lan ra làm ô nhiễm nhiều người. – Hê-bơ-rơ 12:15
Sự cay đắng có một phương cách dai dẳng để bám rễ thật sâu trong tâm hồn và cưỡng lại mọi nỗ lực nhổ nó đi. Sự cay đắng xuất hiện với nhiều lý do. Nó có thể bắt nguồn từ những tổn thương sâu xa mà bạn đã chịu khi còn nhỏ, những tổn thương mà bạn không thể quên. Thời gian không thể làm vơi đi nỗi đau đớn đó, mà dường như chỉ làm cho nỗi đau sắc bén hơn. Sự cay đắng có thể là kết quả của những lời độc địa do bạn bè hay đồng nghiệp nói ra. Thường thường người làm tổn thương bạn không ý thức được mức độ cay đắng mà bạn phải chịu. Bạn thấy mình cứ nhẩm đi nhẩm lại sự xúc phạm đó không nguôi, và mỗi lần nghĩ đến thì rễ của sự cay đắng ấy càng châm sâu hơn trong tâm hồn bạn. Sự cay đắng cũng có thể bắt nguồn từ cảm giác bị đối xử bất công. Người ta dễ biện minh cho sự cay đắng. Bạn có thể quá quen thuộc với một con tim cay đắng đến nỗi cảm thấy dễ chịu với nó, nhưng nó sẽ hủy diệt bạn. Chỉ có Chúa mới biết rất rõ tiềm năng tàn phá của nó. Không có gì nằm quá sâu trong lòng bạn đến nỗi ân điển của Chúa không thể với tới và lấy nó đi được. Không có lãnh vực nào trong đời bạn quá đau đớn đến nỗi ân điển của Chúa không thể chữa lành hoàn toàn. Không có sự xúc phạm nào bạn phải chịu quá tàn nhẫn đến độ tình yêu của Chúa không thể ban cho bạn năng lực để tha thứ.
Khi bạn cho phép sự cay đắng ngày một lớn lên trong cuộc đời mình, bạn chối từ ân điển của Chúa là thứ có thể giải thoát bạn. Nếu bạn ngay thẳng trước mặt Chúa, bạn sẽ thú nhận sự cay đắng ấy và hãy để Chúa tha thứ cho bạn. Sự cay đắng trói buộc bạn làm nô lệ, nhưng Chúa luôn sẵn sàng cất đi sự cay đắng ấy và thay nó bằng sự bình an và niềm hoan lạc của Ngài.
(Trích “Kinh Nghiệm Chúa Từng Ngày” [“Experiencing God Day by”])