Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 7: Cầu Nguyện Và Sự An Tĩnh Trong Tâm Hồn

Bài 7: Cầu Nguyện Và Sự An Tĩnh Trong Tâm Hồn

Bài 7: Cầu Nguyện Và Sự An Tĩnh Trong Tâm Hồn

Ê-sai 26:3 dạy rằng: Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài. Sự bình yên trọn vẹn trong câu Kinh Thánh này chính là sự an tĩnh trong tâm hồn. Sự yên tĩnh trong tâm hồn là một điều sở hữu trong đời mà ai cũng ước ao. Nó quý hơn của cải và tài sản, vì nhiều khi những thứ này làm mất yên tĩnh trong tâm hồn nhiều hơn là đảm bảo.

Một người cha thường đi làm về rất khuya sau khi lái xe hàng trăm cây số. Khi về nhà thì con cái đã ngủ hết. Ông thường ghé vào phòng con, để thấy những đứa trẻ nằm ngủ an lành. Tiếng ngáy nho nhỏ đều đều trong đêm yên tĩnh.  Ông cảm thấy tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh. Ông nghĩ, làm sao người lớn dường như không còn được hưởng những giây phút yên tĩnh ấy nữa, vì cuộc đời càng ngày càng trở nên phức tạp hơn và nhiều nỗi lo lắng hơn.

Người lớn phải suy nghĩ đến kế sinh nhai, đến những món nợ phải trả, và còn lo lúc về già sống như thế nào. Chúng ta lo về nan đề của thế giới, chính trị, kinh tế, xã hội v.v.  vì những năm sau này ảnh hưởng đến mỗi người trên hành tinh. Đó là chưa nói đến những cuộc giao tiếp trong xã hội, những sai lầm mình đã gây ra và hối tiếc. Một số đông người còn phải lo lắng cho sức khoẻ của mình và những người thân yêu. Làm thế nào có được yên tĩnh trong tâm hồn khi mà trí óc bị dồn chứa bao nhiêu là vấn đề như thế?

Phương cách để có được sự yên tĩnh trong tâm hồn được ghi trong câu Kinh Thánh kể trên, đó là “Để tâm trí nương dựa nơi Chúa” Muốn làm như thế, ta cần chuẩn bị như thế nào?

Trước tiên, muốn có được yên tĩnh trong tâm hồn thì phải dốc đổ tâm hồn ra. Ta không thể có yên tĩnh trong tâm hồn nếu tâm trí ta bị bao nhiêu thứ chiếm hữu. Mỗi buổi tối trước khi vào bàn ăn, chúng ta phải rửa tay cho sạch, như thế thì bữa ăn mới ngon được. Ước gì tâm trí ta cũng được dốc đổ như thế và tâm trí cũng sạch như hai bàn tay đã rửa vậy.

Một vị mục sư viết về đề tài An Bình Trong Tâm Trí, nói rằng ông bị đám đông vây lấy ông để xin cầu nguyện cho được bình an. Người ta gởi thư cũng nhiều, điện thoại reo không ngừng. Người ta đến văn phòng ông làm việc đã đông, nhưng còn kéo về nhà riêng của ông nữa. Ông là mục sư còn trẻ mới có 38 tuổi.  Ông hết sức giúp cho mỗi người và tận tâm đến nỗi sinh bệnh, ông chết lúc 41 tuổi. Nhưng trước khi qua đời, ông nói: “Tôi ngạc nhiên vì vô số người chưa bao giờ học cách dốc đổ tâm hồn ra.”

Một ông kia có một thói quen là đi làm việc ở sở nhưng về nhà buổi tối lại đem tất cả nan đề trong việc làm ra nói. Bữa ăn nào cũng kể hết chuyện này đến chuyện kia, sau đó còn nói cho vợ con nghe nhiều về người này hay người nọ, những người làm cho ông khó chịu hay là tạo chướng ngại cho ông. Ông đem các nan đề này vào giường ngủ nữa, thành ra tối nào cũng khuya mới ngủ được.

Một hôm ông nhận ra là mình có thói quen xấu là đem chuyện ở sở về nhà bàn, nên lập một kế hoạch. Ông quyết tâm: “Đêm nay ta sẽ để mọi nan đề dưới bực thềm bước vào nhà, không đem chúng vào nhà nữa.  Sáng mai thức dậy ta sẽ lấy chúng đem theo vào sở.” Làm một quyết định như thế không dễ đâu, vì phải kỷ luật lắm mới thực hiện được.  Nhưng phần thưởng vô cùng lớn.  Đó là mỗi ngày vợ con ông không phải nghe những câu chuyện bất mãn mà họ không hiểu. Ông ăn bữa ăn hào hứng ngon miệng hơn, thăm hỏi vợ con nhiều hơn và thấy gia đình thật ấm cúng. Giấc ngủ cũng ngon hơn và nhiều hơn. Nhưng phần tốt nhất theo ông là, sáng ngày hôm sau khi bước ra cửa, ông làm như nhặt lấy những nan đề đã để lại ngoài ấy hồi hôm, thì thấy rằng các vấn đề đó không nặng nề và gay gắt như hôm qua, một số vấn đề còn biến đi đâu mất nữa.

Người tin Chúa không được dạy là để nan đề ngoài cửa nhà, nhưng “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi.” Thi Thiên 55:22.  Đó là trong Kinh Thánh Cựu Ước, trong Kinh Thánh Tân ước 1 Phi-e-rơ 5:7 dạy: “Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Chúa, vì Ngài hay săn sóc anh em.”

Có người sẽ hỏi: Nhưng trao gánh nặng hay những điều lo lắng cho Chúa là làm gì, đi đâu, trao ở đâu? Gánh nặng thật ra ở trong tâm hồn ta chứ không phải một vật thể nào.  Vì thế việc cầu nguyện phải đặt ra. Có người cầu nguyện một ngày hai lần, nhiều người chẳng cầu nguyện gì cả.  Nhưng mỗi khi có vấn đề, lời Kinh Thánh khuyên ta rằng hãy đến với Chúa mà cầu nguyện.

Ta sẽ nói gì với Chúa? Ta có thể mở Kinh Thánh đọc những câu vừa trích trên đây và hướng tâm hồn về Chúa.  Bạn còn nhớ mấy bài đầu về phương pháp cầu nguyện chúng ta có nói đến thái độ đón nhận, tập trung tư tưởng vào Chúa và tôn thờ Chúa.  Lúc ấy ta tạm quên nan đề của mình mà chỉ nghĩ đến Chúa thôi. Lúc đầu bạn thấy có vẻ như không thực tế, nhưng nếu bạn nhớ lời Chúa dạy: Không có gì bất khả năng đối với Chúa và bạn hết lòng tin Chúa, bạn sẽ có được sự yên tĩnh trong tâm hồn và tiếp tục sống. Nên nhớ rằng, không có thế lực nào có thể làm mất niềm an tĩnh đó, kẻ cả nan đề hay gánh nặng mà bạn tưởng mình đang bị đè bẹp.

Bạn nhớ rằng khi đã trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va thì phải để yên Chúa hành động, đừng than phiền với vợ con hay bè bạn.  Vì họ không thể làm gì cho bạn hơn Chúa được.  Bạn cũng không nên làm khổ họ, mà nên nở nụ cười, nói chuyện và hỏi han về họ. Bữa cơm tối với vợ con sẽ đầm ấm hơn và ngon hơn. Hạnh phúc là khi ta thấy tâm hồn mình hoàn toàn yên tĩnh, vì đã hướng lên Chúa mà tôn thờ. Niềm an tĩnh đó sẽ lây lan đến người khác và họ sẽ cảm nhận sự có mặt của Chúa trong buổi tối hôm ấy.

Tuy nhiên bạn cũng phải thực tế giải quyết vấn đề, nếu nguyên nhân là từ nơi bạn. Chúa không chịu trách nhiệm về những lỗi lầm bạn gây ra, bạn chính là người phải nhận lỗi, xin lỗi, làm hòa và tha thứ. Một điều mà chúng ta luôn luôn biết là vi phạm của mình.  Vi phạm đó có thể là một câu nói không đúng chỗ, một cử chỉ kiêu ngạo vô lễ, một việc làm xấu xa mà bạn vẫn lên án v.v.

Lúc nào bạn cũng biết rõ việc sai trái đó, nhưng cố tình làm ngơ hoặc là tưởng ai cũng quên hết. nhiều người chỉ vướng vào những chuyện nho nhỏ như nói một lời không thật, lấy một vật hay một món tiền nhỏ, mượn ai vật gì không trả, nói xấu với ác ý hay tố cáo sai lạc v.v.

Châm ngôn 28:13 dạy rằng: Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót. Xưng nhận tội đối với Chúa và đối với người là một cách tạo niềm yên tĩnh trong tâm hồn.

Như thế bạn nhận thấy rằng cuộc đời nhiều khi rất đơn giản mà ta tưởng phức tạp.  Vì đa số những nan đề xẩy ra là khi người là không kính thờ và tôn trọng Chúa, lại cũng kiêu ngạo không hạ mình nhận lầm lỗi.  Khi nào những vết nhăn được làm nhẵn, những khúc quanh co được dẫy phẳng thì con đường sẽ ngay thẳng và Chúa sẽ được vinh quang.

Xin nhắc lại một vài điểm mà bạn cần nhớ để có niềm an tĩnh trong tâm hồn, đó là phải thực hành việc dốc đổ tâm hồn, phải loại trừ những điều ngăn cản, một thói xấu, một việc làm vô nghĩa chẳng hạn, phải hạ mình xưng nhận tội phạm và sẵn lòng tha thứ. Trên tất cả, phải bắt đầu với câu: Lạy Cha chúng con ở trên trời…chứ không phải liệt kê ra hàng loạt những nan đề và đòi hỏi Chúa giải quyết.

Thư 1 Giăng 5:14,15 ghi: Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.  Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.

Câu Kinh Thánh này dạy chúng ta mấy điểm sau đây:

  1. Chúa nghe chúng ta khi chúng ta theo ý Chúa cầu xin
  2. Ý thức rằng cầu xin thì Chúa nghe vì vậy biết rõ điều mình xin Chúa đã nhận,

Dĩ nhiên là cầu nguyện phải có đức tin, như chúng ta đã học, vì không có đức tin đến Chúa thì chẳng bao giờ tiếp cận được với Ngài và cũng chẳng bao giờ nhận được điều gì từ nơi Chúa. Điều gì mà chúng ta đang nói đến đây không phải vật chất, nhưng là niềm yên tĩnh trong tâm hồn là điều mà trần thế này không có gì có thể đổi lấy được.

Một công ty thương mãi bỗng bị thua lỗ vì hàng bị ế ẩm. Người quản lý gọi tất cả nhân viên bán hàng lại và hỏi mỗi người về nan đề của họ.  Mỗi người đều thành thật nói về những vần đề  họ gặp và những lý do tại sao hàng khó bán. Người quản lý lúc đó lấy ra một tấm bìa lớn màu trắng để trước mặt mọi người rồi hỏi xem họ thấy gì. Ai cũng nói là thấy một tấm bìa lớn màu trắng.

Sau đó người quản lý cầm một chiếc bút chì rất nhọn, và vẽ một chấm đen trên tấm bìa trắng đó. Rồi hỏi từng người xem họ thấy gì trên tấm bìa. Mọi người đều nói một chấm đen trên bìa trắng. Người ấy bảo mọi người ngồi xuống rồi nói: Đó là vấn đề của các anh em.  Khi một chấm đen xuất hiện thì các anh chỉ chú ý đến chấm đen ấy mà không quan tâm đến phần bìa màu trắng bao la rộng rãi kia. Trong nghiệp vụ thương mãi này cũng vậy các anh chú trọng quá nhiều vào một vài khó khăn nhỏ mà không thấy khả năng toàn bộ.

Trong cuộc sống cũng vậy. Hầu hết mỗi chúng ta đều sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những chấm đen xuất hiện.  Không ai sống trong đời mà hoàn toàn không đau buồn, bất mãn và thất bại. Nhưng nhiều khi chỉ vì chú tâm vào những việc này mà niềm vui và yên tĩnh trong tâm hồn bị mất đi.  Châm ngôn 23:7 ghi rằng: Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy. Nghĩa là, những gì ta suy nghĩ là yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc đời mình sẽ ra thế nào.

Một bà đến với mục sư than thở về những ưu tư của bà mỗi ngày và nhất là khi bà tắt đèn lên giường ngủ. Bà cứ trằn trọc và trăn trở mãi cho đến khi mệt lả rồi ngủ lúc nào không hay. Sáng dậy bà thấy mệt rã rời và đầu óc bối rối. Mỗi đêm bà ấy đã mất đi cái êm đềm quý giá của gíấc ngủ ngon.

Mục sư hỏi xem thường ngày bà ấy thích cái gì nhất, thì bà nói là hoa. Bà thích trồng hoa và cắm hoa nổi tiếng, từng chiếm giải cắm hoa đẹp nữa. Nhất là hoa hồng.  Mục sư đề nghị đêm hôm ấy, sau khi vào giường, bà hãy mường tượng ra trong óc một cái bàn với hai chục bông hồng bày trên đó, một nửa là hoa đỏ, nửa kia là hoa trắng. Ở giữa bàn có một chiếc lọ cắm hoa thật đẹp và bà tưởng tượng đang lấy từng cành hoa cắt và cắm vào lọ. Bà có thể nghĩ ra nhiều kiểu cắm hoa mà bà cho là đẹp nhất. Bà nghe lời vị mục sư và tối hôm ấy đi ngủ sớm, suy nghĩ sắp xếp ý nghĩ như mục sư chỉ dẫn. Không ngờ việc đơn giản đó đã giúp bà ấy trở lại cuộc sống được yên tĩnh trong tâm hốn.

Sứ đồ Phao-lô từng dạy trong thư Phi-líp 4:8 rằng:  Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. Thay vì hoa hồng, ta có thể nghĩ đến những điều hay đẹp hoặc các việc làm hữu ích khác cho mình, cho người khác và cho Chúa nữa.

Muốn có yên tĩnh trong tâm hồn nhiều người còn cố thuộc những bài thánh ca nữa. Thay vì lo nghĩ lung tung và tiêu cực, hãy mở Thánh Ca tìm những bài hát hay, hát đi hát lại cho thuộc một vài câu. Những khi gặp khó khăn, hãy yên lặng nhẩm đọc những câu Kinh Thánh hữu ích hay hát Thánh Ca, quý vị sẽ thấy tâm hồn được yên tĩnh.  Thí dụ như bài hát Như Ý Cha chẳng hạn, lời như sau:

Nguyện lối đi được sáng soi.
Cuộc sống hôm nay hay tương lai thuận ý Cha.
Cầu xin Chúa dẫn lối mỗi ngày, dạy con biết sống giữa cảnh đời,
Dù giông tố sóng gió thay dời, con vững tin.

Việc khắp nơi thuận ý Cha.
Cuộc sống nơi đây nay ra sao đừng quá lo.
Việc ta thấy trước mắt mỗi ngày, đều theo đúng thánh ý an bài
Ngày mai ý nghĩa sẽ tinh tường như ý Cha.

Quỳ kính dâng lời chúc tôn.
Quyền Chúa bao la trên không gian nào đổi thay.
Nguyện dâng tiếng nói của tâm hồn, lời yêu mến khúc hát ân tình
Được tươi mới thắm thiết trong lành như ý Cha.

Nhiều người thường học thuộc lòng Thi Thiên 23 và cả bài hát để khi muốn cho tâm hồn yên tĩnh thì đọc thuộc hay hát lên Thánh Ca Thi Thiên 23 mà đa số anh em Tin Lành đều quen thuộc.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN