Gia-bê được tôn-trọng hơn anh em mình; mẹ người đặt tên là Gia-bê, vì nói rằng: Ta sanh nó trong sự đau-đớn. Gia-bê khấn-nguyện với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên rằng: Chớ chi Chúa ban phước cho tôi, mở bờ-cõi tôi rộng lớn; nguyện tay Chúa phù-giúp tôi, giữ tôi được khỏi sự dữ, hầu cho tôi chẳng buồn-rầu! Đức Chúa Trời bèn ban cho y như sự người cầu-nguyện. (1 Sử-ký 4: 9–10)
Có lẽ bạn đã nghe nói về Gia-bê. Còn nếu chưa thì có lẽ đây là lúc bạn nghe về câu chuyện của ông.
Chỉ hơn hai mươi năm trước, ngoài những người nghiên cứu cẩn thận về gia phả Cựu Ước thì ít ai biết đến tên ông. Nhưng điều đó đã thay đổi chóng vánh chỉ sau một đêm. Cho đến ngày nay, việc chỉ cần nhắc đến Gia-bê giữa vòng các Cơ đốc nhân lớn tuổi đã có thể đem khá nhiều phản ứng khác nhau.
Tôi không rõ và cũng không muốn kể lại toàn bộ câu chuyện, nhưng tác giả Bruce Wilkinson – đồng sáng lập Walk Thru the Bible vào năm 1976, cùng với cố vấn của ông, Howard Hendricks đã xuất bản cuốn sách dài 90 trang mang tên The Prayer of Jabez vào năm 2000. Nó kể về câu chuyện cảm động ông được nghe vào đầu những năm 1970, khi còn là sinh viên thần học từ mục sư Richard Seume (1915–1986). (Điều thú vị là Mục sư John Piper đã ngồi nghe Seume giảng tại Hội Thánh Wheaton Bible vào cuối những năm 1960 khi ông còn là sinh viên. Ông đã nói: “Tôi nhớ lại cách Mục sư Seume lấy những bản văn khó hiểu nhất và tìm ra được những viên kim cương trong đó để giảng cho chúng tôi.” )
Bài giảng đó về Gia-bê trong I Sử ký 4: 9–10, chỉ hai câu duy nhất trong Kinh Thánh nhắc đến Gia-bê – đã để lại ấn tượng cho Wilkinson đến mức ông bắt đầu cầu nguyện y như Gia-bê mỗi ngày. Khi cuốn sách được xuất bản vào năm 2000, ông đã làm vậy mỗi ngày trong suốt ba mươi năm. Việc cầu nguyện y như Gia-bê hàng ngày dường như khiến Wilkinson cảm nhận được sự giải phóng (một từ được lấy từ trong sách) mạnh mẽ các phước lành của Chúa trên cuộc đời và chức vụ của ông. Cuốn sách nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất và là một trong số ít những cuốn sách Cơ đốc giáo bán được hơn mười triệu bản từ trước đến nay.
Tôi đọc cuốn sách của Wilkinson khi còn là sinh viên đại học khi nó ra mắt vào năm 2000 (cùng thời điểm tôi được tiếp xúc lần đầu tiên với Piper và Desiring God). Tôi không nhớ rõ kinh nghiệm của tôi khi đọc nó ra sao. Nhưng tôi nhớ tôi có cảm thấy hào hứng và nhớ là tôi có tự mình cầu nguyện lời cầu nguyện đó vài lần. Tuy nhiên, vì một vài lý do , tôi đã không hình thành thói quen cầu nguyện hàng ngày. Lóe sáng rồi vụt tắt. Tôi đã không cầu nguyện lời cầu nguyện của Gia-bê mỗi ngày trong hai mươi năm qua, mặc dù tôi có hy vọng cuốn sách sẽ đem lại những tác động tích cực lâu dài với tôi.
Tin lành của Gia-bê
Bây giờ nhìn lại, tôi có thể tóm tắt hiện tượng Gia-bê như thế này: sự mất cân bằng trong cuốn sách dẫn đến sự mất cân bằng lớn hơn ở nhiều độc giả, đặc biệt là những người neo mình nơi Kinh Thánh. Nhiều độc giả cho rằng họ đã tìm thấy một vài lời cầu nguyện bị bỏ quên từ lâu để mở khóa các phước lành của Đức Chúa Trời. Khi tôi đọc lại cuốn sách gần đây, tôi thấy rằng cuốn sách đã bỏ ngỏ ý này, và thậm chí đôi khi còn nghiêng về hướng này một cách tinh vi. (Bản thân là một biên tập viên, tôi thấy rõ sức ảnh hưởng của người đồng tác giả trong việc làm cho thông điệp của Wilkinson trở nên mạnh mẽ hơn và khiến nó có thể chạm đến với nhiều đối tượng hơn. Tên của vị đồng tác giả không xuất hiện trên trang bìa gốc hoặc trong cuốn sách khi trước, nhưng bây giờ nó bắt đầu xuất hiện trên những trang bìa được tái xuất bản.)
Từ những dòng đầu tiên của Lời Mở Đầu, những từ như “luôn luôn” và “chìa khóa” bắt đầu được gieo cho đọc giả. Chúng là những từ ngữ mà chúng ta nên sử dụng một cách tiết kiệm trong một thế hệ lạm phát ngôn ngữ như hiện tại:
Tôi muốn dạy bạn cách cầu nguyện một lời cầu nguyện táo bạo mà chắc chắn Chúa sẽ luôn đáp lời. Nó vô cùng ngắn gọn – chỉ một câu gồm bốn phần – và nằm ẩn trong Kinh Thánh, nhưng tôi tin rằng nó chứa đựng chìa khóa để có một cuộc đời được Đức Chúa Trời ưu ái đặc biệt. Lời cầu nguyện này đã thay đổi hoàn toàn cách tôi trông đợi Chúa và những gì tôi trải nghiệm hàng ngày bởi quyền năng của Ngài. (7, ngôn từ nhấn mạnh đã được thêm vào)
Tôi có thể chọn ra những câu nói phóng đại và mất cân đối tương tự như vậy từ cuốn sách. Đầu tiên, Wilkinson coi việc ban phước là “sự tốt lành mà chỉ Chúa mới có biết hoặc ban cho chúng ta” (23). Theo Wilkinson, ông không dạy tà giáo Phúc Âm Thịnh Vượng (24). Ông cũng đề cập về việc sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (32, 48, 57) và dấy lên sự nghi ngờ về “Giấc mơ Mỹ”:
Chúng ta có hiểu Giấc mơ Mỹ khác xa với giấc mơ mà Chúa muốn cho chúng ta không? Chúng ta có đang đắm chìm trong một nền văn hóa tôn thờ sự tự do, độc lập, quyền cá nhân và theo đuổi niềm vui không. (70)
Những thách thức như vậy đôi lúc xuất hiện trong sách, nhưng rõ ràng đó không phải là điểm nhấn của sách. Nhiều độc giả dường bỏ qua các tuyên bố trách nhiệm. Họ chỉ tập trung vào “luôn luôn” và “chìa khóa” và nhiều ví dụ về các phước lành tạm thời mà lại không tìm thấy ở Gia-bê một sự kêu gọi đạt đến những ước muốn mới, một tấm lòng mới và một sự tái sanh để trở thành một con người mới và từ đó phát xuất ra những lời cầu nguyện tươi mới.
Lặp đi lặp lại lời cầu nguyện?
Tôi có thể nói nhiều hơn về cả những điều tốt và xấu của cuốn sách, nhưng hãy để tôi nói luôn điểm mất cân bằng chính trong cuốn sách: chương cuối cùng và lời cáo buộc.
Có lẽ vấn đề lớn nhất là lấy một bài giảng có khả năng khuấy động đời sống cầu nguyện và biến nó trở thành “một lời cầu nguyện hàng ngày giúp đem lại phước lành của cuộc đời bạn” (87 ). Điều này có thể rất dễ thấy đối với thể loại sách tự lực, nhưng chúng ta khó có thể thấy được điều đó khi Kinh Thánh được dùng để minh họa. Chúng ta có nên tôn bất kỳ phân đoạn lên mức “lời cầu nguyện này hàng ngày” chăng? Wilkinson tiếp tục nói: “Tôi khuyến khích bạn kiên định thực hiện theo kế hoạch được vạch ra ở đây trong ba mươi ngày tới. Cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi đáng kể trong cuộc đời mình, và lời cầu nguyện đó sẽ trở thành một thói quen đáng quý suốt đời bạn”(87).
Ít nhất ở đây có một vấn đề nghiêm trọng – trước tiên là đối với lời cầu nguyện này và dùng nó để cầu nguyện hàng ngày, rồi sau đó là kiên trì làm theo kế hoạch này. Kèm theo đó là lời hứa rằng “bạn sẽ nhận thấy những thay đổi quan trọng trong cuộc đời của mình” chỉ sau ba mươi ngày.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy một lỗi nghiêm trọng trong cuốn sách Cơ đốc này là cách mà nó thu hút và đáp những khẩu vị chưa được tái sanh, hấp dẫn những ham muốn tự nhiên tội lỗi, kể cả là đối với những người đã được tái sinh. Ngoài ra, nó còn bỏ qua rất nhiều góc nhìn của Thánh Kinh về việc chịu khổ và thử thách đời này. (Đối với những ai muốn biết, Tim Challies kể câu chuyện về “Giấc mơ Châu Phi” khi nó được tiếp lửa từ cuốn sách của Wilkinson và “sự thất bại thảm hại” của nó vài năm sau “thành công” của cuốn sách.)
Chúng ta có thể cầu nguyện như Gia-bê không?
Chúng ta phải làm gì ngày hôm nay, hơn hai mươi năm sau sự kiện đó? Giải pháp cho việc lặp đi lặp lại một đoạn Kinh Thánh khi cầu nguyện một cách vô ích không phải là vứt bỏ toàn bộ Kinh Thánh! Đúng hơn, chúng ta muốn toàn bộ Kinh thánh và muốn tất cả những lời cầu nguyện trong đó – không chỉ một hoặc hai câu mà thôi – định hình đời sống cầu nguyện của chúng ta. Từ lời cầu nguyện của Gia-bê, chúng ta có thể tự tra xét xem những gì chúng ta, với tư cách là một Cơ đốc nhân, có thể học được từ một gia phả Thánh. Không phải nhờ việc lặp đi lặp lại một câu thần chú mà là thông qua các nguyên tắc Thánh Kinh để được hướng dẫn và tiếp thêm năng lượng cho một đời sống cầu nguyện đúng nghĩa.
Câu chuyện của Gia-bê quả khiến chúng ta phải chú ý vì những điều xoay quanh nó. Tôi có thể dễ dàng biến hai câu này thành một bài giảng như cách mà Seume đã làm, để tôn vinh các nguyên tắc Kinh Thánh được tìm thấy ở đây và nhiều nơi khác trong Lời Chúa rồi tìm cách cho áp dụng chúng cho toàn bộ đời sống cầu nguyện của một Cơ đốc nhân. Một sự thật quan trọng mà Wilkinson đã không khiến người đọc chú ý đến – nhưng thay vào đó làm nổi bật hơn mức cần thiết câu chuyện của Gia-bê và lời cầu nguyện của ông – chính là dòng dõi của Judah trong câu chuyện này. Đây là dòng dõi của các vị vua. Gia-bê được bao quanh bởi tổ tiên vương giả và dòng dõi cao quý, ấy vậy nhưng ông lại được sinh ra trong đau đớn, như cái tên Gia-bê đã phản ánh. Chính việc chú trọng vào bối cảnh này có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó đối với độc giả thời bấy giờ; hãy đọc câu chuyện này dưới ánh sáng của lịch sử cứu chuộc, mà đỉnh điểm của nó là Sư tử của Giu-đa; để chúng ta ngày này có thể đón nhận bài học này và học hỏi từ lời cầu nguyện với sự cân bằng cần phải có.
Vậy, hãy thử xem xét những bài học nào chúng ta có thể học được từ Gia-bê đặt trong bối cảnh của toàn bộ Kinh Thánh để áp dụng cho đời sống cầu nguyện của chính chúng ta.
- Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta khỏi sự đau đớn (theo thời điểm của Ngài)
Mẹ ông gọi ông là Gia-bê nói “Ta sanh nó trong sự đau-đớn.”
Chúng ta không biết nỗi đau cụ thể đó là gì. Vậy cũng tốt. Chính vì nỗi đau đó không được xác định nên nó mời gọi chúng ta đồng cảm với Gia-bê và học hỏi từ ông, bất kể nỗi đau của chúng ta là gì. Thực ra, tất cả chúng ta đều được sinh ra trong đau đớn (Sáng thế ký 3:16) từ một thế giới đầy tội lỗi Bản thân chúng ta cũng là tội nhân và là “con của sự thạnh-nộ, cũng như mọi người khác.” (Ê-phê-sô 2: 3).
Xuất phát điểm cuộc đời của Jabez rất khó khăn. Nhưng dường như ông không đắm chìm trong nó hay cam chịu như một nạn nhân. Ông cũng không tìm cách nỗ lực bằng sức lực và quyết tâm của mình. Đúng hơn, ông hướng về Chúa. “Gia-bê khấn-nguyện với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” và khi làm như vậy, ông đã hướng sự tập trung và đức tin của mình đi đúng hướng.
Đức Chúa Trời của chúng ta thực sự là Đấng Giải Cứu. Ngài không hứa người theo Ngài sẽ tránh khỏi mọi đau đớn, nhưng Ngài lấy làm vui lòng khi được giải cứu chúng ta khỏi những khổ đau. Và quan trọng là Ngài làm vậy theo thời điểm của Ngài, không phải theo điểm của chúng ta. Đôi khi thời điểm của Ngày đến mau chóng, nhưng đa phần là không. Nhiều vị thánh đáng ngưỡng mộ đã phải chịu đựng những đau đớn tột độ suốt cuộc đời họ.
- Đức Chúa Trời (thường) mở rộng bờ cõi của chúng ta
Chớ chi Chúa ban phước cho tôi, mở bờ-cõi tôi rộng lớn…
Tìm kiếm sự ban phước từ Đức Chúa Trời là điều tốt, đặc biệt là khi chúng ta chờ đợi Ngài làm theo ý Ngài. Và tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng của bản thân là bản tính con người đã được Đức Chúa Trời tạo dựng bên trong ta ngay từ đầu: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng thế ký 1:28). Chính Đấng Christ đã uỷ quyền cho các môn đồ mở rộng biên giới của vương quốc Ngài và khiến mọi dân tộc trở thành môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19).
Ngay cả một người rất gương mẫu và khiêm tốn như sứ đồ Phao-lô cũng là minh chứng cho tham vọng thánh là ước mơ mở rộng biên giới ảnh hưởng của Chúa Jêsus từ Rô-ma cho đến Tây Ban Nha (Rô-ma 15: 23–24). Phao-lô cũng thẳng thắn viết cho người Cô-rinh-tô về “công-việc chúng tôi cũng sẽ lớn lên thêm giữa anh em … và công-việc ấy càng mở-mang, cho đến nỗi chúng tôi sẽ có thể truyền Tin-lành ra đến các xứ xa hơn xứ anh em” (2 Cô-rinh-tô 10: 15–16). Đức Chúa Trời có muốn dân Ngài cầu nguyện để mở rộng sự ảnh hưởng của họ, không phải vì những danh vọng cá nhân, nhưng để rao truyền phúc âm, để củng cố các hội thánh, để phục vụ sứ mệnh và mục đích cao cả của Đấng Christ trên thế giới ngày.
Và đây là những lời cầu nguyện mà Chúa thường đáp lời – nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ồ, điều khác biệt nằm ở những tiểu tiết nhỏ! Và một khi chúng ta đã cầu nguyện cho việc mở rộng biên giới của chúng ta theo nghĩa bóng, vì lợi ích của Đấng Christ, thì chúng ta nên sẵn sàng để Đức Chúa Trời tính toán và hành động theo những cách rất khác so với những gì chúng ta tưởng tượng.
- Chúa (thường) thêm sức khi ta cầu xin
…nguyện tay Chúa phù-giúp tôi…
Tôi hoàn toàn khuyến khích việc chúng ta cầu xin Chúa để tay Ngài phù giúp chúng ta. Điều đó có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và sự giúp đỡ của Ngài ở cùng chúng ta. Điều quan trọng là Gia-bê không chỉ muốn một khoản phước lớn từ Chúa trước rồi sau đó ông tự bươn chải bằng sức mình. Gia-bê thừa nhận rằng sức mạnh của bản thân sẽ không đủ. Ông cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời mỗi bước trên hành trình.
Có lẽ sự khởi đầu khiêm tốn và đau đớn của ông dạy ông bài học này sớm hơn đa số mọi người. Gia-bê được “tôn trọng” (hơn cả những người anh em của mình) không phải vì xuất thân cao quý, giàu có và khả năng của bản thân, mà bởi vì ông hữu những điểm yếu và hạn chế của bản thân và cầu xin Chúa ban sức của Ngài cho ông. Việc Gia-bê vượt qua những người anh em của mình thể hiện sức mạnh của Chúa trên ông. Gia-bê cầu xin bàn tay của Chúa ở cùng ông và khi làm như vậy, Gia-bê thừa nhận rằng sức mạnh và kỹ năng của bản thân là không bao giờ đủ cả.
- Chúa giữ chúng ta khỏi (một vài) hiểm nguy
…giữ tôi được khỏi sự dữ, hầu cho tôi chẳng buồn-rầu!
Cuối cùng, Gia-bê cầu xin sự bảo vệ của Chúa. Thật tốt khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời để Ngài gìn giữ cho chúng ta khỏi bị tổn hại và đau đớn – ngay cả khi chúng ta biết rằng đôi khi Ngài dẫn chúng ta, vào đồng vắng và vào thung lũng của bóng tối sự chết, cũng giống như Con Ngài.
Chúa Jêsus cũng dạy chúng ta cầu nguyện: “xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ!” (Lu-ca 11: 4), và trong vườn, đêm trước khi chết, ngài đã dặn dò người của mình hai lần: “Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ.” (Lu-ca 22:40, 46). Đức Chúa Trời thực sự giữ chúng ta khỏi một số cám dỗ để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Sự cầu nguyện thực sự rất quan trọng. Đức Chúa Trời chọn lựa cai trị cõi hoàn vũ theo cách mà dưới sự cho phép của Ngài, một số sự kiện xảy ra (hoặc không) bởi vì dân của Ngài có cầu nguyện hay không. Biết bao những cám dỗ và hiểm họa đã không ập đến những thánh đồ chỉ bởi vì họ đã khiêm nhường cầu xin Cha của họ?
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời của chúng ta không hứa sẽ giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy, hoặc khỏi mọi cám dỗ. Trên thực tế, Ngài hứa rằng “trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời.” (Công vụ 14:22). Vì vậy, chúng ta không nên cho rằng chúng ta sẽ tránh được mọi hiểm nguy, cũng không nên nghĩ rằng cầu nguyện là một việc lãng phí.
Chúa ban Gia-bê những gì ông cầu xin
Việc Chúa ban cho Gia-bê những gì ông cầu xin không có nghĩa là Chúa làm điều đó theo cách mà Gia-bê đã hình dung hoặc theo đúng thời điểm ông mong đợi. Đối với chúng ta cũng vậy. Đức Chúa Trời rất vui lòng đáp lại lời cầu nguyện của con cái Ngài, nhưng chúng ta không nên cho rằng Ngài sẽ làm vậy theo cách và theo thời điểm mà chúng ta muốn. Ngài có thể làm trổi hơn vô-cùng mọi việc chúng ta cầu-xin hoặc suy-tưởng” (Ê-phê-sô 3:20). Ngài sẽ trả lời “vào thời điểm thích hợp” (1 Phi-e-rơ 5: 6) – và theo cách của Ngài, không phải của chúng ta.
Khi con cái của Ngài xin bánh, cá hay trứng, Đức Chúa Trời của chúng ta không cho chúng ta một viên đá hay một con rắn hay một con bọ cạp (Ma-thi-ơ 7: 9–11; Lu-ca 11: 11–13). Ngài sẽ không ban cho điều tệ hơn chúng ta cầu xin đâu. Ngược lại, Ngài biết cách ban cho con cái Ngài những món quà tốt nhất, và thậm chí chúng còn nhiều hơn những gì chúng ta cầu xin – đỉnh điểm là Ngài đã hiến sự sống Ngài cho chúng ta. Nhưng không phải theo lúc chúng ta muốn.
Lời cầu nguyện của Gia-bê không phải là sự đảm bảo rằng rằng Chúa sẽ làm những gì chúng ta yêu cầu vào thời điểm chúng ta muốn. Tuy nhiên, I Sử ký 4: 9–10 là một lời kêu gọi sống động cho những người không cầu nguyện và những người đang trong đau đớn, hãy đến Ngài. Đức Chúa Trời của chúng ta đã cứu chuộc dân của Ngài. Ngài mang đến niềm vui đến thay cho sự cay đắng. Ngài tôn trọng những người đau đớn. Ngài đề cao sự khiêm tốn. Ngài trao vương miện vinh quang cho những kẻ xấu hổ. Ngài chấp nhận cho Con của mình bị đóng đinh vào thập tự giá. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời làm cho những gì chúng ta và thế giới của chúng ta tin vào bị đảo lộn, kể cả đó là những lời cầu nguyện của chúng ta.
Bài:David Mathis; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/how-to-pray-like-jabez)