Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhBạn Không Thể Gần Chúa Mà Lại Xa Hội Thánh

Bạn Không Thể Gần Chúa Mà Lại Xa Hội Thánh

Một trong những yếu tố quan trọng nhất thể hiện đức tin là mối quan hệ của bạn với Hội Thánh. Bạn nghĩ sao về điều này?

Có thể bạn đã rời Hội Thánh vì chuyển nhà, hoặc bị các tín đồ khác làm tổn thương, không đồng ý với cách lãnh đạo xử lý vấn đề, không thích mục sư, nghe tin đồn xấu, hoặc chỉ đơn giản là cà phê trong Hội Thánh … dở tệ. Khi bạn rời khỏi Hội Thánh, mối quan hệ của bạn với Hội Thánh nói chung sẽ trở nên phức tạp. Bạn bắt đầu đề phòng hơn một chút, xa cách hơn một chút, thận trọng hơn một chút, bạn cần thời gian chữa lành, hoặc rời đi và không còn muốn tham gia vào Hội Thánh.

Tất nhiên không phải mọi thứ đều xấu. Bạn chứng kiến mọi người dâng cuộc đời mình cho Cứu Chúa Jêsus Christ, làm Báp-têm, cứu vãn hôn nhân nhờ sự giúp đỡ của anh em trong Chúa. Bạn được mọi người trong Hội Thánh chăm sóc và giúp đỡ. Bạn nuôi dưỡng đức tin mạnh mẽ hơn nhờ những sứ điệp tuyệt vời, qua công việc môn đồ hóa, nhờ nhóm nhỏ thân thiết hoặc các anh em khích lệ hướng bạn về với Chúa mỗi khi lạc lối.

Có thể bạn đã trải qua nhiều thăng trầm trong Hội Thánh – đó là lý do mối quan hệ của chúng ta với Hội Thánh rất phức tạp. Vậy, mối quan hệ giữa bạn với Hội Thánh, hay đúng hơn là với Chúa, nói lên điều gì? 

Phản ánh mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời

Điều này được chứng minh qua cuộc gặp gỡ của Phi-e-rơ và Chúa Jêsus.

Dù mối quan hệ của bạn với Hội Thánh hiện tại như thế nào, hy vọng một ngày nào đó, bạn sẽ gọi nhà thờ bạn đang sinh hoạt là “Hội Thánh của tôi”. Nghĩa là bạn có thể tự tin nói: “Đây là Hội Thánh của tôi, và anh chị em tôi. Tôi là một thành viên gắn bó và sống cống hiến cho tương lai của cộng đồng này”.

Cụm từ “Hội Thánh của tôi” thật ra đến từ chính Chúa Jêsus. Khi nói chuyện với Phi-e-rơ (Ma-thi-ơ 16:13b-19), Chúa Jêsus hỏi một câu then chốt: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” Các môn đồ thuật lại cho Chúa Jêsus những lời đồn đại và xì xào của dân chúng: “Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó”. Và rồi, Ngài đặt một câu hỏi định nghĩa cuộc đời họ: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Đây là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta phải trả lời một lúc nào đó trong cuộc đời. 

May thay, Phi-e-rơ đã trả lời đúng:

“Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy. Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy”.

Trong câu Kinh Thánh này, chúng ta thường quan tâm đến sự khởi đầu của Hội Thánh, hoặc việc Phi-e-rơ là người tiên phong thành lập Hội Thánh; nhưng tất cả đều bỏ sót điểm quan trọng: Hội Thánh thuộc về Đấng Christ, và Hội Thánh là những người tin rằng Cứu Chúa Jêsus là Đấng Mê-si.

Đây là một góc nhìn khác về hàm ý trong lời Chúa Jêsus tuyên bố:

Xét lại đức tin: Bạn không thể gần Chúa mà lại xa Hội Thánh, bởi vì Người đầu tiên nói ra cụm từ “Hội Thánh của tôi” chính là Cứu Chúa Jêsus Christ.

Bạn là một phần của “cơ thể” Hội Thánh, và Hội Thánh thuộc về Đấng Christ. Bạn thuộc về Đấng Christ. Chúng ta là ưu tiên quan trọng nhất của Ngài. Khi bạn từ chối hoặc xa cách Hội Thánh, bạn đang cố tình xa rời Đấng Christ. Chúng ta thật sự không thể làm vậy, và cũng không nên mong muốn làm vậy.

Nhiều người quan niệm rằng vẫn có thể duy trì “đời sống tâm linh” hoặc đức tin mà không cần sống trong một cộng đồng Cơ Đốc nào cả. Mọi người đang “rời bỏ Hội Thánh, nhưng không rời bỏ đức tin”.

Đây là ba lý do tại sao mối quan hệ của chúng ta với Chúa không thể tách rời khỏi mối quan hệ của chúng ta với Hội Thánh:

  1. Hội Thánh là nơi Cơ Đốc nhân ý thức được rằng mình là một phần của dân sự Chúa, chứ không chỉ là một người theo Chúa.

Chúa muốn có cả một dân tộc, chứ không chỉ là một nhóm hoặc một cá nhân nhỏ bé tự đi loanh quanh làm việc riêng “vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Việc quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời đã và đang là hoạt động mang tính cộng đồng. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời ban phước, trừng phạt, lập giao ước và mong đợi lòng trung thành của họ trong tư cách một dân tộc:

“Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó. Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng một đường lối như nhau, hầu cho kính sợ ta đời đời, để chúng nó và con cháu nối sau đều được phước. Ta sẽ lập giao ước đời đời với chúng nó rằng: Ta sẽ không xây khỏi chúng nó để làm phước cho; và ta sẽ đặt sự kính sợ ta vào lòng, để chúng nó không còn lìa khỏi ta. Ta sẽ lấy làm vui mà làm phước cho, và chắc hết lòng hết linh hồn trồng chúng nó trong đất nầy” (Giê-rê-mi 32:38-41).

Ý tưởng về một dân tộc đã được mở rộng cho dân ngoại, cho tất cả những ai đặt đức tin nơi Đấng Christ. Trong phần lớn lịch sử, dân ngoại là kẻ thù của người Do Thái và được xem là kẻ thù Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch hợp nhất tất cả những ai xưng Chúa Jêsus là Cứu Chúa lại với nhau, để có một dân tộc duy nhất, dưới sự tể trị của Chúa Jêsus Christ:

“Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:15-16).

Một Cơ Đốc nhân không nên và không thể đơn độc bước đi trong đức tin.

  1. Hội Thánh là nơi hiệp nhất những cá thể đa dạng để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Hội Thánh Tin Lành là tổ chức đang dạng nhất trên thế giới. Phần lớn các tôn giáo khác đều tập trung quanh một nền văn hóa, một khu vực cụ thể, hoặc một chủng tộc nhất định. Tuy nhiên, Cơ Đốc giáo phát triển ở hầu hết mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, và bao gồm mọi chủng tộc. Hội Thánh thực sự đa dạng về cả phạm vi lẫn thành phần. Ngoài ra, có sự hiệp nhất bao trùm trong thân thể Đấng Christ, bởi quyền năng Thánh Linh. Giữa sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, khu vực địa lý và chủng tộc này, có một sự thống nhất bao trùm, hiệp nhất tất cả thành một phần thân thể Đấng Christ:

“Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể” (1 Cô-rinh-tô 12:12-14).

Phao-lô nói rằng mỗi thành viên trong thân thể Đấng Christ – mỗi Cơ Đốc nhân – đều nắm vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng Hội Thánh. Không phải tất cả chúng ta đều có những ân tứ, vai trò, kinh nghiệm, xuất thân, hoặc nhu cầu giống nhau – nhưng rõ ràng là chúng ta cần nhau. 

Chúng ta cần sự đa dạng về ân tứ, tài năng, kinh nghiệm, hoặc bất cứ điều gì để mỗi Cơ Đốc nhân có ích lợi cho Hội Thánh và cộng đồng. Những người khác rất cần bạn!

  1. Hội Thánh là lý do Đấng Christ đã phó sự sống Ngài

Bạn có thể kinh ngạc nhưng sự thật là Chúa Jêsus có những kế hoạch vĩ đại hơn là chỉ cứu cá nhân bạn. Chắc chắn bạn sẽ được cứu, nhưng vấn đề chính không tập trung vào bạn hoặc tôi:

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời” (Giăng 3:16,18).

Kế hoạch vĩ đại của Chúa không dành cho riêng bạn và tôi. Mục đích là để cả thế giới tin cậy Con Ngài. Tất cả những ai đã tin đều trở thành thành viên Hội Thánh. Như khi nhận xét về sự vâng phục trong hôn nhân, Phao-lô thực sự đang nói về mối quan hệ sâu sắc giữa Hội Thánh và Đấng Christ:

“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:25-27).

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28, Phao-lô một lần nữa dặn dò các trưởng lão Ê-phê-sô trước khi ra đi:

“Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình”.

Đức tin của bạn có thể mang tính cá nhân, và lựa chọn theo Chúa của bạn có thể riêng tư, nhưng bạn thuộc về dân sự Đức Chúa Trời, Hội Thánh của Ngài. Đức tin của bạn không thể và không bao giờ được phép tách rời khỏi Hội Thánh.

Ba suy ngẫm cuối cùng để lại:

Bạn nên hoạt động tích cực trong cộng đồng đức tin. Khi trở thành Cơ Đốc nhân, bạn đã thuộc về cộng đồng lớn trên toàn thế giới, hãy tìm một Hội Thánh địa phương để không chỉ dự nhóm mà còn hoạt động tích cực.

Bạn phải vui mừng về sự đa dạng và hiệp nhất của Hội Thánh. Hãy tìm hiểu và trân trọng các nền văn hóa, những điểm khác biệt, ân tứ của mọi người, và hiệp nhất nhờ Thánh Linh.

Bạn nên yêu mến Hội Thánh Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban sự sống cho Cô Dâu của Ngài. Đây là điều quan trọng nhất: Hội Thánh không phải lúc nào cũng đáng yêu, vì rốt cuộc Hội Thánh cũng chỉ là con người. Con người luôn lộn xộn, xấu tính và khó mà hòa hợp. Nhưng qua Đấng Christ, Hội Thánh sẽ luôn là một Cô Dâu xinh đẹp đáng yêu.

Bài: Kile Baker; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/3-reasons-you-cant-be-close-to-god-and-distant-from-the-church.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN