Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTôi Có Nên Dự Đám Cưới Này Không?

Tôi Có Nên Dự Đám Cưới Này Không?

“Thưa mục sư, con trai chúng tôi đính hôn đồng tính”.

“Thưa mục sư, cách đây vài năm anh tôi đã bỏ vợ theo một người phụ nữ khác. Bây giờ họ mời tôi đến dự đám cưới”.

“Thưa mục sư, con gái tôi muốn kết hôn với người ngoại”.

Thưa mục sư, tôi có nên tham dự đám cưới đó không?

Những câu hỏi này nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của Cơ Đốc nhân trước các vấn đề về tình dục, hôn nhân, ly hôn và gia đình.

Ngày nay, hôn nhân bị xem là phương tiện ràng buộc pháp lý giữa 2 cá nhân, hoặc chỉ để thể hiện cảm xúc mãnh liệt mà không thật sự suy xét đến nghĩa vụ suốt đời. Hầu như không ai đặt ra những câu hỏi về đạo đức tình dục – điều gì là đúng và điều gì là tốt. Đám cưới bây giờ chỉ là một thủ tục phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn của hai bên. 

Rơi vào hoàn cảnh phải phản đối hôn nhân của người thân, Cơ Đốc nhân thường phản ứng với thái độ bất ngờ và phẫn nộ khôn lường, khiến cho cặp đôi xem đó là ác ý chống lại ngày hạnh phúc của cô dâu chú rể.

“Tại sao không thể chúc phúc cho tôi?” là câu trách móc khiến chúng ta cảm thấy có lỗi và khó lòng suy xét rõ ràng để đưa ra quyết định tin kính, yêu thương theo lẽ thật Kinh Thánh.

Để giải quyết vấn đề hóc búa này, chúng ta cần đặt một số câu hỏi cơ bản: “Đám cưới là gì?”“Tôi đang thể hiện điều gì khi tham dự đám cưới?”. Khi trả lời những câu hỏi này, chúng ta sẽ quyết định được khi nào nên đi và khi nào nên ở nhà.

Đám cưới là gì?

Chúng ta cần công nhận hai sự thật giản đơn về đám cưới trong Kinh Thánh. Đầu tiên, Kinh Thánh không đưa ra ví dụ chi tiết về đám cưới. Không ai biết “Lễ cưới trong Kinh Thánh” trông như thế nào. Sự thật thứ hai là những điều Kinh Thánh dạy về hôn nhân giúp chúng ta hiểu lễ cưới phải diễn ra như thế nào.

  1. Hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập như sự kết hiệp mật thiết trọn đời giữa một người nam và một người nữ.

Đây là ngụ ý của Sáng thế ký 2, khi Đức Chúa Trời tuyên bố rằng con người ở một mình là “không tốt” (câu 18). Trong lớp tư vấn tiền hôn nhân đầu tiên, Đức Chúa Trời mang mọi con vật đến cho A-đam đặt tên, như thể để ông biết rằng trong số tất cả các sinh vật này “chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết” (câu 20) . Chỉ người nữ mới có thể trở thành người giúp đỡ và đồng hành cùng người nam.

  1. Trở thành vợ chồng đòi hỏi giao ước long trọng và cam kết ràng buộc.

Trước khi kết hôn, thường có lễ đính hôn công khai (Phục truyền Luật lệ Ký 20: 7; Ma-thi-ơ 1:18; 1 Cô 7: 25–28). Đính hôn đòi hỏi mức độ cam kết cao và công bố ý định kết hôn trước công chúng. Tương tự như vậy, trong Sáng thế ký 24, đầy tớ của Áp-ra-ham thực hiện cuộc dàn xếp hôn nhân kéo dài trong quá trình tìm vợ cho Y-sác, dựa trên đích đến cuối cùng: mối quan hệ hôn nhân chính thức, được thừa nhận công khai.

Ê-xê-chi-ên 16:8 thuật lại phong tục đám cưới cổ đại. Chúa nói về Giê-ru-sa-lem bằng phép ẩn dụ hôn nhân: “Ta đã thề với ngươi, kết ước với ngươi và ngươi thuộc về Ta” (BTTHĐ). Phép ẩn dụ này nói về giao ước công khai và trao lời thề, như một phần tất yếu của hôn nhân.

  1. Hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập vừa phổ quát vừa thiêng liêng.

Hôn nhân không phải là lối thoát cho những tội lỗi hay nỗi khổ mà con người phải chịu sau khi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Hôn nhân được thiết lập để giải quyết điều “không tốt” duy nhất trước loài người phạm tội: “con người ở một mình thì không tốt”. Việc Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân thể hiện Ngài rất quan tâm chúng ta – tạo vật được dựng nên để sống trong cộng đồng mật thiết. Cùng với Ngày “Ngày Thánh” và nhiệm vụ “làm cho đầy dẫy đất” trong Sáng thế ký 1:28, hôn nhân là một “nghi lễ tạo hóa”: một cam kết khuôn mẫu cho tất cả mọi người, vì lợi ích của tất cả mọi người. Nói cách khác, hôn nhân được thiết lập dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ những người tin Chúa.

Nhưng đừng vì tính phổ quát của hôn nhân mà biến nó thành một phong tục thực dụng, chỉ có giá trị khi xã hội có nhu cầu. Không, hôn nhân được thiết lập bởi Đức Chúa Trời chứ không phải bởi chúng ta, sự thật đơn giản ấy nhắc nhở rằng hôn nhân là một định chế thiêng liêng mà chúng ta không có quyền xáo trộn. Chính vì lý do này, Kinh Thánh sử dụng ngôn ngữ hôn nhân để mô tả mối quan hệ thiêng liêng mật thiết và tình yêu giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên, Đấng Christ và Hội Thánh Ngài.

Do đó, định nghĩa đám cưới đúng với lẽ thật Kinh Thánh nhấn mạnh vào hai điều kiện: hôn nhân dành cho tất cả mọi người, và hôn nhân là thánh.

Tôi đang thể hiện điều gì khi tham dự đám cưới?

Bây giờ, hãy xem xét chúng ta đang thể hiện điều gì khi đến dự một đám cưới.

  1. Chúng ta đang tán thành 

Trong Kinh Thánh, đám cưới là một giao ước long trọng và được công nhận công khai. Sự hiện diện của cộng đồng khẳng định mối quan hệ thiết lập bởi hôn nhân này là hợp pháp. Đây là lý do trong một số lễ cưới, Hội Thánh sẽ được hỏi rằng: “Nếu có bất kỳ ai phản đối cuộc hôn nhân này, hãy nói ra ngay bây giờ hoặc giữ im lặng mãi mãi”.

Chúng ta không chỉ là khán giả khi đi dự đám cưới. Chúng ta là nhân chứng, làm chứng cho mối quan hệ hôn nhân hợp pháp trước mặt chúng ta.

  1. Chúng ta đang ăn mừng

Đám cưới là dịp trọng đại. Khi được hỏi về việc kiêng ăn (một phong tục liên quan đến tang chế, chịu khổ), Chúa Jêsus nói rằng điều đó không thích hợp đối với khách dự đám cưới khi chàng rể còn ở với họ (Lu-ca 5: 34–35). Chúa Jêsus đang nói về chính Ngài – hiện diện với các môn đồ – nhưng ẩn dụ này rất sinh động vì mọi người đều biết đám cưới là dịp vui mừng, không phải để đau thương. 

Theo đặc điểm và mục đích ban đầu, lễ cưới là dịp thiêng liêng, cần được tổ chức phù hợp để ca ngợi Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Bởi ân điển rộng rãi, Ngài đã thiết lập hôn nhân vì lợi ích của chúng ta. Ngài gắn kết hai vợ chồng với nhau và chúc phúc cho sự kết hiệp này. Vì vậy, khi mừng hạnh phúc lứa đôi, chúng ta cũng vui mừng tôn thờ Đức Chúa Trời, Đấng ban ân điển Ngài trên tất thảy mọi người.

  1. Chúng ta đang làm mới cam kết của chính mình

Trong đám cưới, chúng ta không phải là khán giả ngẫu nhiên, chỉ ngồi xem người cử hành lễ và cặp đôi hạnh phúc. Chúng ta phải trở thành những người tham dự thật sự.

Cụ thể, chúng ta đang được hướng dẫn về bản chất và giá trị của hôn nhân, và được kêu gọi ​​làm mới cam kết của chính mình với lòng chung thủy và tình yêu trong hôn nhân, hoặc sự trinh khiết và thỏa lòng khi sống độc thân.

  1. Chúng tôi đang nghe và chứng kiến Phúc Âm

Mọi cuộc hôn nhân hợp pháp giữa nam và nữ đều mang âm hưởng của mối giao ước Đức Chúa Trời thiết lập giữa Ngài và dân Ngài trong Đấng Christ. Nhưng trong hôn nhân Cơ Đốc, giao ước ràng buộc này đặc biệt rõ ràng, vì tại đó chúng ta công khai nói về tình yêu Đấng Christ – Chàng Rể đã hiến thân vì Cô Dâu – Hội Thánh Ngài tại thập tự giá. Khi cô dâu chú rể thề nguyện và cam kết “Tôi đồng ý”, chúng ta đang nghe lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời trong Cứu Chúa Jêsus Christ dành cho chúng ta bây giờ và mãi mãi: “dù vui sướng hay buồn bã, đau ốm hay khỏe mạnh, giàu có hay thiếu thốn”.

Tôi có nên tham dự đám cưới này không?

Trước khi đồng ý đến đám cưới, chúng ta cần tự hỏi liệu mình có thể tham dự một cách thật tâm hay không.

Vì việc tham dự một đám cưới không chỉ đơn thuần là xuất hiện ở đó. Đó còn là hành động tán thành chân thật, nên chúng ta phải xem xét liệu sự kết hiệp này có đúng theo Kinh Thánh, và mình có hết lòng công nhận hay không. Nếu tham dự đám cưới là để bày tỏ niềm vui, thì liệu bạn có vui thỏa chúc mừng sự kết hợp này trước mặt Chúa không? Nếu tham dự lễ cưới sẽ định hình cam kết hôn nhân của bạn, thì liệu lễ cưới này có hướng bạn và mọi người đến với Lẽ Thật không? Những câu hỏi này giúp chúng ta cân nhắc xem việc tham dự đám cưới này có phải một quyết định làm sáng Danh Đức Chúa Trời không.

Tất nhiên, quyết định không tham dự sẽ gây hiểu lầm và tổn thương và chúng ta có thể phải trả giá đắt. Ngày nay, Cơ Đốc nhân  càng được kêu gọi đưa ra quyết định này thường xuyên hơn. Hãy xem những quyết định này như cái giá phải trả khi theo Chúa. Nếu không thể tham dự đám cưới, chúng ta phải cố gắng hết sức để thể hiện tình yêu thương và quan tâm đến cặp vợ chồng mới bằng những cách khác, tìm cách lan tỏa ân điển Đấng Christ đến cho những con người tan vỡ đang mang hình ảnh Đấng Tạo Hóa.

Được mời đám cưới là vinh dự và cũng là trách nhiệm. Hãy nói “có” khi có thể và nói “không” vì tình yêu dành cho Đấng Christ – Đấng kêu gọi chúng ta yêu người lân cận bằng cách yêu Ngài trước tiên.

Bài: DAVID STRAIN; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/attending-wedding-endorsement)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN