Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh“Chúa Ơi, Xin Cho Con Được Chết”!

“Chúa Ơi, Xin Cho Con Được Chết”!

“Chúa Ơi, Xin Cho Con Được Chết”!

Có rất nhiều Cơ Đốc nhân tâm sự rằng họ muốn kết thúc cuộc sống. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau, sắc tộc khác nhau, tính cách khác nhau và lý do khác nhau… nhưng tất cả đều cho là lựa chọn sự chết có khi tốt hơn.

Phải thật can đảm mới có thể bày tỏ tâm tư về tự vẫn. Hầu hết người ta luôn trốn tránh nỗi sợ chết. Ít ai muốn dừng lại, đối mặt và chào đón “thần chết” như một người bạn.

Huống chi là Cơ Đốc nhân – những người biết rõ tự sát kinh hoàng thế nào. Họ biết đó không phải là tình huống lãng mạn trong tiểu thuyết nhưng là một tội ác khủng khiếp đối với Tác Giả cuộc đời mình. Ngay cả trong hoàn cảnh suy sụp và tàn khốc, khi dường như chỉ có cái chết là lối thoát, Cơ Đốc nhân vẫn biết cách chống lại lời dụ dỗ của sa-tan. Bằng đức tin, họ sẽ tiếp tục bước đi, cho đến khi Cha Toàn Tri đưa họ về nhà. 

Nếu bạn từng cầu xin Chúa cất đi mạng sống mình, thì sự thật là bạn không đơn độc đâu.

Chúa đã từng nghe những lời thỉnh cầu như vậy trước đây. Tất cả có lý do khác nhau, vào thời điểm khác nhau, từ những vực sâu khác nhau, nhiều con cái Chúa đã cầu xin được chết. Và những lời cầu xin này không chỉ đến từ những tín đồ bình thường, mà còn từ những người được cho là ít khi gặp vấn đề trong cuộc sống: các lãnh đạo và anh hùng của dân sự Chúa.

Hãy tra xem Kinh Thánh khi các thánh đồ cũng từng xin Chúa cất sự sống mình đi, để nhận ra rằng bạn không đơn độc. Và quan trọng hơn, hãy nhìn xem lòng nhân từ và thương xót Chúa đối với chúng ta ở nơi vực thẳm cuộc đời.

Job: Người cha tuyệt vọng

“Ôi! Chớ gì lời sở cầu tôi được thành, Và Đức Chúa Trời ban cho tôi điều tôi ao ước! Chớ chi Đức Chúa Trời đẹp lòng cà tán tôi, Buông tay Ngài ra trừ diệt tôi!” (Gióp 6: 8–9)

Mỗi khi tuyệt vọng, người ta thường tìm đến cái chết. Đặc biệt là vào tuổi xế chiều, khi tiếng véo von của những chú chim sơn ca cũng không thể xua tan sự giá lạnh. 

Gióp, người công chính nhất trên đời (Gióp 1:8) giờ đang ngồi trong đống tro tàn, nổi mụn nhọt trên da, bị bạn bè buộc tội, và lòng thì nặng trĩu. Cuộc sống hạnh phúc trước đây giờ chỉ còn là đống hoang tàn: tài sản không còn, tôi tớ bị giết và khủng khiếp hơn, tất cả mười người con của ông bị chôn vùi dưới ngôi nhà đổ nát sau trận lốc. 

Kinh hãi trước thực tại thảm khốc, Gióp rủa sả ngày mình sinh ra: “Ngày ta đã sanh ra, khá hư mất đi; Còn đêm đã nói rằng: Có được thai dựng một con trai, hãy tiêu diệt đi!” (Gióp 3:3). Ông trầm ngâm: “Cớ sao ban ánh sáng cho kẻ hoạn nạn, Và sanh mạng cho kẻ có lòng đầy đắng cay? Người như thế mong chết, mà lại không được chết; Cầu thác hơn là tìm kiếm bửu vật giấu kín; Khi người ấy tìm được mồ mả, Thì vui vẻ và nức lòng mừng rỡ thay.” (Gióp 3: 20–22). Cái chết bây giờ bỗng lấp lánh và ngọt ngào như một báu vật. Ông không còn lý do gì để sống nữa. 

Cũng như Gióp, có lẽ bạn đã kinh nghiệm những mất mát lớn lao. Có lẽ bạn đang vụn vỡ, hoài niệm những ngày tháng trước đây. Bạn không thể chịu đựng thêm nữa; phía trước chỉ là đêm đen vô tận. Hy vọng đã quay lưng với bạn, nhưng Chúa thì không. 

Chúa đã từ chối thỉnh cầu của Gióp. Lòng thương xót, nhân từ, đồng cảm của Ngài vẫn còn dư dật trên Gióp, dù lúc này ông vẫn chưa thể hình dung cuộc đời mình sẽ làm sáng danh Chúa bằng cách nào. Như Gia-cơ tóm tắt: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ” ( Gia-cơ 5:11).

Với kết cuộc viên mãn  trong câu chuyện về Gióp, nhiều người vẫn không cảm thấy được yên ủi. Nhưng những gì bạn sẽ nhận được nơi Cứu Chúa Jêsus Christ còn tuyệt vời hơn thế nữa! Hãy tiếp tục tin cậy. “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2 Cô-rinh-tô 4:17). 

Môi-se: Người lãnh đạo mòn mỏi

“Nếu Chúa đãi tôi như vậy và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin thà giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi!” (Dân số Ký 11:15)

Đây là lần thứ hai Môi-se cầu xin được chết trong cuộc hành trình dài với dân sự. Lần đầu, ông xin được chết thế cho dân sự sau cuộc nổi loạn bò con vàng (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:32). Còn lần này, ông xin chết trong tư cách một lãnh đạo kiệt sức và quá chán nản.

Những người Y-sơ-ra-ên được giải cứu vẫn mang những vết loét chưa lành. Đôi mắt vẫn còn hướng về Ê-díp-tô, họ liên tục phàn nàn về những bất hạnh mình phải chịu.

“Ai sẽ cho chúng tôi ăn thịt? Chúng tôi nhớ những cá chúng tôi ăn nhưng không tại xứ Ê-díp-tô, những dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, hành, và tỏi. Bây giờ, linh hồn chúng tôi bị khô héo, không có chi hết! Mắt chỉ thấy ma-na mà thôi” (Dân số Ký 11: 4–6).

Thái độ vô ơn làm lệch lạc tâm trí họ. Khi ký ức nô lệ ùa về với những món ăn ngon, ma-na miễn phí bỗng trở nên nhạt nhẽo, đắng ngắt. Môi-se chẳng dám mong dân sự sẽ thỏa lòng.

Dân sự không ngừng phàn nàn với Môi-se rằng họ nhớ Ai Cập đến mức nào. Môi-se nhìn lên Chúa và kêu cầu: “Tôi không thể một mình gánh hết dân sự này, vì thật là rất nặng nề cho tôi quá! Nếu Chúa đãi tôi như vậy và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin thà giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi!” (Dân số Ký 11: 14–15)

Hãy chú ý câu trả lời ân cần của Chúa. Ngài không giết Môi-se, thay vào đó ban cho ông bảy mươi trưởng lão để hỗ trợ, Ngài còn ban Thần cảm cho những người đó. Hơn nữa, Chúa hứa sẽ cho dân Y-sơ-ra-ên ăn thịt – nhiều thịt đến nỗi “tràn ra lỗ mũi, và các ngươi phải ngán đi” (Dân số Ký 11:20).

Nếu bạn quá mệt mỏi vì những gánh nặng đè trên đôi vai yếu ớt của mình, và đôi khi chỉ muốn chết đi, hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời của Môi-se. Hãy nương dựa nơi Ngài trong lời cầu nguyện. Cha nhân từ sẽ giúp đỡ và nắm tay đưa bạn đến đích. 

Giô-na: Sứ giả giận dữ

“Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!” (Giô-na 4:3).

Tiên tri Giô-na khiến nhiều người bối rối. Ông kiên quyết cho rằng thủ đô Ni-ni-ve của A-si-ri – kẻ thù của Y-sơ-ra-ên – không xứng đáng nhận được lòng thương xót từ Chúa, nhưng phải gánh chịu sự hủy diệt. Ông từ chối trở thành công cụ để Chúa cứu rỗi họ.

Chúa đã đổi mới Giô-na sau khi ông trốn tránh tiếng kêu gọi Ngài. Chúa cứu ông khỏi chết đuối trên biển. Chúa ban cho ông bóng mát khi ông bên ngoài thành Ni-ni-ve đang chờ ngày diệt vong. Tuy nhiên, Giô-na vẫn không từ bỏ lòng hận thù. Khi nhận ra Chúa không hủy diệt thành Ni-ni-ve: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ. Người cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!” (Giô-na 4: 1–3)

A-si-ri là một dân tộc tàn bạo – tàn bạo với đồng bào của Giô-na. Tuy nhiên ngày nay, ít ai rủa sả cả một quốc gia. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn thường nguyền rủa những người đối xử tệ với mình, lòng mong họ chết đi. Khi thấy họ sống sung túc, chúng ta cực kỳ giận dữ. Với vấn đề này, Chúa đáp lại cách kiên nhẫn và nhân từ, với tư cách một người Cha bao dung: “Ngươi giận có nên không?” (Giô-na 4:4).

Lời cầu xin được chết này thật sai trái. Chúng ta phải ăn năn. Hãy cầu xin Cha ban cho bạn tấm lòng tha thứ như Cha đã tha thứ cho bạn vô điều kiện: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:12).

Ê-li: Tiên tri sợ hãi

“Vì vậy, Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình. Đến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa, người để tôi tớ mình lại đó. Còn người vào đồng vắng, đường đi ước một ngày, đến ngồi dưới cây giếng giêng, xin chết mà rằng: Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi” (1 Các Vua 19: 3–4)

Ê-li là một người yếu đuối như chúng ta (Gia-cơ 5:17). Hãy lưu ý rằng Ê-li cầu xin được chết ngay sau thời khắc vinh quang của mình. Vị tiên tri của Đức Chúa Trời vừa thắng trong cuộc đọ sức với A-háp và 450 tiên tri Ba-anh. Chúa giáng lửa xuống trước mặt toàn thể dân Y-sơ-ra-ên để chứng minh rằng có một vị tiên tri chân chính đang đi giữa họ.

Nhưng rốt cuộc, Ê-li lại đang chạy trốn! Sau khi Giê-sa-bên nghe tin Ê-li giết 450 tiên tri Ba-anh, bà thề sẽ xử ông. “Vì vậy, Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình” (1 Các Vua 19:3). Vị tiên tri bị săn lùng ẩn mình trong đồng vắng, ngồi dưới gốc cây, cố gắng ngủ và mong không bao giờ thức dậy: “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi”.

Bạn có xin được chết vì sợ những người sống không? Chúa Jêsus nói: “Ta nói cùng các ngươi, là bạn hữu ta: Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa” (Lu-ca 12:4). Câu chuyện về Ê-li cũng nhắc chúng ta nhìn lại những thời điểm tốt đẹp quá khứ – lý do để tiếp tục phó thác bản thân cho Đấng Tạo Hóa thành tín.

Một lần nữa, Chúa lại đối xử nhân từ với Ê-li. Ngài gọi ông dậy và ăn uống, cung cấp thức ăn tươi ngon cho ông trong đồng vắng, và cho cả cuộc hành trình phía trước (1 Các Vua 19: 5–8). Dù Ê-li bị cái chết đe dọa và xin được chết, nhưng không bao giờ phải trải qua sự chết (2 Các Vua 2: 11–12). Đó là lòng nhân từ vô biên Chúa dành cho tiên tri Ngài. 

Phao-lô: Sứ đồ nóng nảy 

“Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phi-líp 1:23).

Đối với những thánh đồ cầu xin được chết, Chúa thường đáp lại bằng lòng thương xót.

Cho dù bạn đang bất mãn như Giô-na, đang kiệt sức như Môi-se, đang hoảng sợ như Ê-li, hoặc đang khao khát được giải thoát như Gióp, thì hãy nhìn lên Cứu Chúa nhân từ. Ngài ban cho Gióp khởi đầu mới, ban cho Môi-se bảy mươi người giúp đỡ, ban cho Giô-na bóng mát tươi mới, ban cho Ê-li đồ ăn thức uống trên chặng đường phía trước.

Và cuối cùng, qua công tác Con Ngài đã hoàn thành và quyền năng biến đổi của Thánh Linh, chính Đức Chúa Trời đã biến cái chết thành niềm hy vọng cho chúng ta! Sự chết bị phá tan, mở ra sự sống mới cho con dân Chúa. 

Mặc dù không xin được chết, sứ đồ Phao-lô cho chúng ta thấy viễn cảnh cứu chuộc khi ta đối diện với kẻ thù cuối cùng:

“Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy. Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phi-líp 1: 21–23)

Vào đúng thời điểm của Chúa, chúng ta có thể đón nhận cái chết bằng tấm lòng bình an mà thế gian chưa từng nếm biết. Chúng ta cũng có thể khao khát Chúa mau trở lại, để chúng ta được rời khỏi trần gian và ở với Đấng Christ đời đời. Chúng ta có Đức Thánh Linh, Đấng “than thở trong lòng” đang khi trông đợi sự cứu chuộc thân thể chúng ta (Rô-ma 8:23). Chúng ta cầu nguyện và mong mỏi ngày thế gian này kết thúc, vì chúng ta khao khát một khởi đầu mới đầy vinh quang.

Chúng ta không khao khát được chết để thoát khỏi những rắc rối đời này, nhưng vì chúng ta ao ước cuộc sống vô tận với Đấng Christ bên kia giấc ngủ đời đời. Nhưng khi còn sống trên đất, hãy cứ nếm trải Đấng Christ càng hơn qua Lời Chúa và Thánh Linh Ngài.Bài: Greg Morse; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/lord-let-me-die)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN