Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhCó Phải Rô-Ma 7 Mô Tả Một Cơ Đốc Nhân?

Có Phải Rô-Ma 7 Mô Tả Một Cơ Đốc Nhân?

Rô-ma 7:14–25 nói về những tranh đấu của Phao-lô – Cơ Đốc nhân, hay Sau-lơ – người ngoại?

Liệu Phao-lô đang mô tả trải nghiệm Cơ Đốc của mình – hay ông đang nói về trải nghiệm tuân giữ luật pháp thất bại lúc chưa tin Chúa, từ góc nhìn của một Cơ Đốc nhân? Tôi cho rằng Rô-ma 7:14–25 là mô tả kinh nghiệm Phao-lô thường trải qua khi đã trở thành Cơ Đốc nhân, cũng là kinh nghiệm chúng ta thường có, mặc dù không phải Cơ Đốc nhân nào cũng từng trải nghiệm điều này.

Ý kiến bất đồng 

Mọi người thường tranh cãi về phân đoạn này. Một mặt, Phao-lô nói: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng” (Rô-ma 7:22), và “Chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 7:25). Khó mà mường tượng rằng điều này mô tả về Phao-lô lúc chưa tin Chúa. 

Mặt khác, Phao-lô lại nói: “Tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi” (Rô-ma 7:14), hoặc “Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét” (Rô-ma 7:15), v.v. Từ đây, ý kiến bất đồng nảy sinh: Liệu một Cơ Đốc nhân có thể nói ra điều này hay không? Liệu Phao-lô – Cơ Đốc nhân có thể nói rằng mình đã “bị bán cho tội lỗi” không?

Tôi sẽ đưa ra 9 lý do để chứng minh rằng, mặc dù đó không phải toàn bộ trải nghiệm Cơ Đốc của Phao-lô, nhưng ông thật sự đang mô tả kinh nghiệm hiện tại của mình. 

  1. ‘Tôi’ trong thì hiện tại

Phao-lô sử dụng ngôi thứ nhất và thì hiện tại. Nghĩa là Phao-lô đang nói về bản thân và một phần cuộc sống ông ngay trong hiện tại, với tư cách Cơ Đốc nhân. Phao-lô sử dụng từ “tôi” hoặc “của tôi” khoảng 40 lần, đồng thời mô tả hoàn cảnh của mình bằng thì hiện tại xuyên suốt phân đoạn này.

“Tôi là tánh xác thịt”, “tôi không hiểu điều mình làm”, “tôi chẳng làm điều mình muốn”, v.v. – tất cả đều ở thì hiện tại. Phao-lô đang mô tả trải nghiệm Cơ Đốc hiện tại của mình. Vì vậy, khi hiểu theo cách tự nhiên nhất, khó mà cho rằng Phao-lô đang nói về những chuyện trong quá khứ.

  1. Luật pháp theo con người bề trong 

Cách Phao-lô nói về luật pháp Đức Chúa Trời nghe hoàn toàn giống một Cơ Đốc nhân – chứ không phải một người Do Thái chưa được tái sinh. “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng” (Rô-ma 7:22). Cụm từ “người bên trong” nghe rất giống cách Cơ Đốc nhân Phao-lô nói về bản chất bề trong của một Cơ Đốc nhân. Tôi không nghĩ rằng Phao-lô nói điều này về con người ông khi chưa tin Chúa.

  1. Không thống nhất với quá khứ

Phân đoạn này mô tả Phao-lô là một người bị chi phối và dằn vặt bởi luật pháp. Điều này không thống nhất với cách ông mô tả trải nghiệm của mình trước khi theo Chúa.

Trong những ngày tiền Cơ Đốc, Phao-lô không bao giờ bị giằng xé vì không thể tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời. Trong Ga-la-ti 1 và Phi-líp 3, Phao-lô mô tả mình là người có lòng sốt sắng với luật pháp. Vì vậy, Phao-lô trong Rô-ma 7 không thống nhất với cách chính ông mô tả trải nghiệm tiền Cơ Đốc của mình.

  1. Trỗi hơn xác thịt hư hoại

Trong Rô-ma 7, Tôi nghĩ Phao-lô nói về bản thân theo cách chỉ Cơ Đốc nhân mới có thể – một người có đức tin và Thánh Linh ngự trị.

Ví dụ, Phao-lô nói trong Rô-ma 7:18: “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu” và diễn giải điều này: “nghĩa là trong xác thịt tôi”. Bây giờ, nếu Phao-lô đang lượng giá kinh nghiệm tiền Cơ Đốc của bản thân, thì tại sao ông lại giải thích câu “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu” bằng cách nói rằng “nghĩa là trong xác thịt tôi”?

Theo quan điểm của Phao-lô, con người tiền Cơ Đốc chỉ là xác thịt. Chỉ khi trở thành Cơ Đốc nhân, chúng ta mới trỗi hơn xác thịt. Phao-lô có Đức Thánh Linh, nên đó là lý do ông phải giải thích: “nghĩa là trong xác thịt tôi”. Có một điều lành trong tôi – đó là Đức Thánh Linh. vì vậy, tôi nghĩ không phải ông đang nói về Phao-lô chưa tin. 

  1. Tương đồng với Ga-la-ti 5

Trong Ga-la-ti 5:17, Phao-lô sử dụng từ ngữ rất giống với Rô-ma 7, nhưng mọi người đều đồng ý rằng Ga-la-ti mô tả kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân Phao-lô.

Phao-lô nói trong Ga-la-ti 5:17: “Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy” – và tiếp theo là một câu nghe rất giống Rô-ma 7 – “nên anh em không làm được điều mình muốn làm”. Đây là mô tả về cuộc xung đột nội tâm của một Cơ Đốc nhân, với ngôn từ rất giống Rô-ma 7 – “Tôi làm điều tôi không muốn làm; Tôi không làm được điều tôi muốn làm ”. Vì thế, tôi cho rằng Rô-ma 7 cũng là kinh nghiệm của một Cơ Đốc nhân giống như Ga-la-ti 5.

  1. Tạm thời nô lệ cho tội lỗi

Lập luận thứ 6 là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho những tranh cãi này. Trong Rô-ma 7:14, Phao-lô nói: “Tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi”. Mọi người sẽ hỏi rằng: “Làm sao Phao-lô có thể nói rằng một Cơ Đốc nhân như ông đã bị bán cho tội lỗi không?” Bị bán nghĩa là trở thành nô lệ. Làm sao một Cơ Đốc nhân có thể nói rằng: “Tôi bị bán làm nô lệ của tội lỗi”? Bởi vì Rô-ma 6:18 đã chép rằng: “Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi”.

Ở đây, Phao-lô nói Cơ Đốc nhân sống dưới tội lỗi, nhưng không phải như một cách sống bình thường – liên tục bị tội lỗi chi phối và đánh bại. Ý ông là trong thời điểm chúng ta thất bại, tội lỗi sẽ chiếm lấy ưu thế làm chủ nô, có quyền kiểm soát tạm thời trên một “nô lệ” mà nó không thật sự sở hữu. Bởi vì cả trong Rô-ma 6:12 và Ga-la-ti 5:1, Phao-lô đều cảnh báo Cơ Đốc nhân không được phục tùng tội lỗi và mang ách nô lệ một lần nào nữa.

Thực tế, Cơ Đốc nhân vẫn có thể tạm thời bị bán cho tội lỗi. Vậy nên tôi cho rằng lời phản biện này không thật sự thuyết phục.

  1. Người chưa tin sẽ không khao khát tự do 

Qua Rô-ma 7:24, người ta phản biện rằng: Làm sao một Cơ Đốc nhân thật có thể kêu lên: “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” Tôi sẽ trả lời rằng: Làm sao một Cơ Đốc nhân thật có thể không kêu lên: “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?”

Theo Rô-ma 8,  Phao-lô nói rằng thân xác không chỉ bệnh tật, chết chóc và rên xiết, mà còn là nguồn cơn cho nhiều ham muốn xấu xa. Thân xác thường là nguyên nhân gây ra hành động tội lỗi. Người không tin Chúa sẽ không cầu xin được giải thoát khỏi thân xác này. Không, vì họ đang sống trong thân thể đó. Đây chắc chắn phải là tiếng kêu cầu của Cơ Đốc nhân.

  1. Tự do khỏi luật tội lỗi, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Rô-ma 8:2 nói rất mạnh mẽ: “Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.” Một số người cho rằng đây là lời tuyên bố kết thúc cuộc chiến trong Rô-ma 7, vì cụm từ “luật pháp của sự tội” trong Rô-ma 8:2 cũng được sử dụng trong Rô-ma 7:23. Người trong câu 23 bị coi là “phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi”. Nhưng giờ đây, trong Rô-ma 8:2, người này đã thoát khỏi luật tội lỗi và sự chết.

Vì vậy, nhiều người kết luận rằng người trong Rô-ma 7:23 không thể là Cơ Đốc nhân, bởi vì Cơ Đốc nhân phải giống như Rô-ma 8:2, còn người này thì không. Nhưng theo những lời khuyên trong Rô-ma 6, việc chúng ta hiện đang ở trong Đấng Christ, được giải thoát khỏi luật tội lỗi không hề loại trừ sự thật rằng đôi khi luật tội lỗi vẫn chiếm ưu thế, và chúng ta cần phải ăn năn từ bỏ.

Chúng ta được tự do khỏi luật tội lỗi, nhưng không phải tự do tuyệt đối khỏi ảnh hưởng của nó. Chúng ta vẫn phải liên tục đánh bại tội lỗi nhờ năng quyền Thánh Linh.

  1. Kết luận gây thất vọng trong Rô-ma 7:25

Rô-ma 7 dường như đã đạt đến cao trào trong nửa đầu câu 25: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” Ai sẽ giải cứu chúng ta khỏi tình huống khủng khiếp  trong Rô-ma 7? Câu trả lời là “Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!”

Nhiều người cho rằng, sau tất cả những thất bại trong câu 14–25, giờ đây Phao-lô đã đạt đến điểm đắc thắng và biến đổi. Ông đang chuyển từ trải nghiệm thất bại tiền Cơ Đốc trong Rô-ma 7 sang trải nghiệm đắc thắng hậu Cơ Đốc trong Rô-ma 8. Nhưng Phao-lô đang đi theo hướng này, thì nửa sau câu 25 sẽ gây bối rối và vấp phạm cực kỳ.

Phần kết câu 25 hoàn toàn không phù hợp với cách hiểu này, rằng Phao-lô đã được biến đổi hoàn toàn từ Rô-ma 7 sang Rô-ma 8, lấy nửa đầu câu 25 làm cơ sở. Đang khi mong đợi một tuyên bố đắc thắng, rằng con người bị chia rẽ cuối cùng đã hợp nhất trong chiến thắng, hoàn toàn vượt qua mọi xung đột nhờ năng quyền Thánh Linh, thì bạn nhận được gì trong nửa cuối câu 25?

Bạn sẽ nhận được những gì mình mong đợi, nếu Rô-ma 7 chỉ đơn thuần nói về trải nghiệm xung đột và đấu tranh thường xuyên của Cơ Đốc nhân. Nhưng rốt cuộc, điều bạn nhận được là một kết luận vắn tắt về cuộc sống chật vật và chia rẽ: “Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” (Rô-ma 7:25). Thật là một kết cục đáng thất vọng, nếu như đây bước ngoặt quyết định sự biến đổi từ tiền Cơ Đốc sang hậu Cơ Đốc giữa chương 7 và chương 8.

Vì 9 lý do này, chúng ta thấy rằng Rô-ma 7:14–25 không mô tả toàn bộ kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân, mà nói về sự ngã lòng, xung đột và thất bại chúng ta thường gặp khi chiến đấu với tội lỗi.

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/does-romans-7-describe-a-christian)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN